VIẾT VỀ NHỮNG GIẤC MƠ

Một ngày tháng 5, khi những cơn mưa lớn giữa hè vừa làm dịu đi cái nắng nóng oi ả. Tôi cùng vài người bạn sắp xếp công việc để đến Hà Giang, đến nơi mà được ăn cơm, ăn cháo trắng thôi cũng đã là cả một ước mơ rồi !

Chỉ có duy nhất một ngày để lên thăm bản Chí Thì cách trung tâm TP Hà Giang gần 100km. Khi những dãy núi lờ mờ hiện ra trong những làn mây trắng bay lơ lửng buổi sáng, chúng tôi vội vã lên đường từ TP Hà Giang mà chưa kịp ăn uống gì cả. Thôi thì tiện đâu ăn đấy – toàn thanh niên nên cũng không quá quan trọng lắm. Vượt qua 30km đầu tiên thì điều mà chúng tôi lo lắng nhất đã xảy ra. Một trận mưa rừng xối xả khiến chúng tôi phải dừng lại. Vì sốt ruột nên mấy anh em đã cố đội mưa đi tiếp những chỉ được thêm vài km là vội vàng trú tiếp vì hạn chế tầm nhìn và đường trơn. Ngồi nhìn mưa rơi mà lòng như lửa đốt bởi 20km lên bản sẽ là ác mộng nếu trời mưa. Mấy anh em nhìn nhau lắc đầu rồi chốt “có đi bộ cũng phải lên được đến bản”. 30 phút để cơn mưa rừng ngớt hẳn, chúng tôi tiếp tục đi thêm gần 40km để vào tới xã Yên Cường, huyện Bắc Mê tỉnh Hà Giang.

Nghỉ ngơi và làm việc với chính quyền xã, hơn 9h sáng chúng tôi bắt đầu đi xe máy lên bản. Anh Cường là người dẫn đoàn đi, anh nói “đường vào bản khoảng 20km cơ, nếu đi bộ sẽ rất mệt. Cứ đi xe máy, nếu khó quá thì để xe lại dọc đường rồi tính tiếp”. Và thế là chúng tôi – 2 xe máy với 4 thanh niên bắt đầu những chặng đầu tiên trên đoạn đường gian nan ấy. Mới chỉ vài km đầu tiên, ai cũng toát mồ hôi vì đường quá trơn, chỉ cần không chú ý là có thể ngã. Rồi chúng tôi bị ngã thật – cũng may là đi tốc độ chậm nên chỉ bị thương phần mềm mà thôi. Tiếp tục băng quan khoảng 2 – 3km đường thoải khá dễ đi. Tôi cứ ngỡ sẽ thuận lợi để vô đến bản nhưng không, hóa ra mọi thứ khó khăn nhất đều dồn hết vào những chặng cuối cùng. Đường lởm chởm đá nên rất khó đi. Có những đoạn gần như phải 2-3 người mới có thể lôi xe băng qua được. Người giữ xe, người kéo, người đẩy, loay hoay một lúc thì xe cũng vượt qua. Anh Cường nói, những chỗ đó trước là phải khiêng xe qua chứ giờ là dễ hơn rất nhiều rồi. Chúng tôi nghe mà chỉ biết cười trừ vì dễ theo lời anh mà 3-4 thanh niên vất vả mãi mới nhấc xe qua được. Đoạn đường gần 20km nhưng tôi phải mất 2 giờ đồng hồ để vượt qua trong khi xe con lại mất 2 giờ 30 phút lận. Cái đáng sợ là chiều đi gần như 95% chúng tôi leo dốc – những con dốc cao, đá to, đá nhỏ, sình lầy khiến xe chạy không có ma sát nên rất dễ trượt bánh. Gần như 50% đoạn đường ấy người ngồi sau phải xuống đi bộ vì không thể đủ an toàn chở người leo dốc. Quả thực đây là cung đường mà đến giờ khiến tôi sợ hãi nhất.

Phút nghỉ ngơi hiềm hoi giữa núi rừng Bắc Mê – Hà Giang

 

Vào đến bản, chúng tôi lên thẳng điểm trường học. Một điều đặc biệt là ở điểm bản Chí Thì chỉ có các thày giáo mà không có nổi một cô giáo. Vì đường quá khó khăn nên các cô giáo không thể lái xe vào bản được, nên các thày nhận trách nhiệm khó khăn này. Các thày ở bản từ thứ 2 đến thứ 6, cuối tuần tranh thủ về với gia đình. Trưa chúng tôi ngồi ăn cơm cùng các thày, bữa cơm gần 20 người đàn ông nhưng luôn rộn ràng tiếng cười. Các thày khoe món rau rừng hôm nay các thày mới hái được, khoe bếp gas không lo nổ bình mà thực chất là bếp củi, giấy ăn thì lấy giấy ô li để dùng. Mọi thứ đều thiếu thốn và tạm bợ. Các thày thấy đoàn từ thiện lên vui lắm, vì ở đây hiếm khi nào gặp người lạ nên ai cũng có bệnh “thèm người”.

Trò chơi hàng ngày của tụi nhỏ học tại bản Chí Thì

 

     Tôi tranh thủ trò chuyện với tụi nhỏ đang chơi ở giữa sân. Đứa nào cũng ngại ngùng, rụt rè khi chú hỏi chuyện. Tôi hỏi “các con thích chơi trò gì để chú mua đồ chơi cho”. Chúng nhìn tôi mà không nói gì cả. Tôi hỏi tiếp “các con chỉ có mỗi trò chơi khăng này thôi sao” ? Chúng nhẹ nhàng gật đầu rồi nhìn nhau cười. Vậy đó, những đứa trẻ nơi đây chưa từng được ra ngoài trung tâm xã trừ khi bị ốm quá nặng phải đi khám. Chúng chẳng có gì chơi hay đúng hơn là không biết chơi gì ngoài trò đánh khăng với mấy chiếc que gỗ tự chế. Vậy mà vui lắm, cười tít cả mắt vào, giữa trưa nắng mà vẫn chơi rất hăng. Tôi hỏi “thế đi học có phải mang cơm không” ? Chúng nói “có”. Tôi hỏi tiếp “thế có thức ăn gì không”? Chúng nói “không”. Tôi nói “rau cũng có chứ” thì chúng lắc đầu… Tôi cũng không biết hỏi thêm gì nữa, lòng nặng trĩu một nỗi niềm không tên. Nhìn những cuốn sách trên giá mà tôi nghẹn ngào – nó nói lên phần nào về cái nghèo, cái khổ và cả tương lai sau này của tụi nhỏ
Những cuốn sách cũ được dùng đi dùng lại để viết tiếp những tương lai của tụi nhỏ nơi đây
     Tới thăm một vài hộ dân nơi đây, mới càng thấy cái nghèo nó đáng sợ như thế nào? Gia đình có người già nhất làng là hai ông bà ngoài 80 tuổi. Cả ông bà đều không biết nói một câu tiếng kinh. Lúc tôi đến ông đang ăn cơm nhão – tôi gọi thế vì không rõ nó là cơm hay là cháo. Tôi thắc mắc thì cậu Gấu (trưởng bản) nói họ nấu như thế để nhiều người ăn được hơn, chứ nấu cơm thì ít khó chia. Hỏi ra mới biết, ông bà có tới tận 15 người con. Giờ ông bà đang ở cùng với một vài người con mà thôi.
     Tôi đặc biệt nhớ tới gia đình A Páo – một người bố trẻ chắc ít tuổi hơn tôi mà đã có 3 đứa con. Cô con gái thứ hai vì đau mắt đỏ không được điều trị kịp đã bị mù cả hai mắt. Cháu vẫn đi học nhưng cũng chỉ đến lớp để nghe chứ trên này không có phương tiện dạy cho các bé khiếm thị. Điều mà tôi không thể quên là khi vừa mới bước chân vào nhà A Páo, người bố trẻ ấy mặc trên người bộ quần áo lem luốc, dính đầy bùn đất nhưng đôi bàn tay thoăn thoắt và ân cần chải tóc cho cô con gái bị mù. Tôi thấy được tình thương thật lớn từ cách mà A Páo chăm sóc cho cô con gái thiệt thòi của mình. Rồi cậu ta bế con gái ra rửa mặt, rất tỉ mỉ và nhẹ nhàng. Tôi hỏi A Páo nhà còn gạo không ? Cậu ta nói còn một ít, nhưng trộn them mèn mén để ăn được lâu. Hỏi nhà có bò hay trâu không ? A Páo nói có bò nhưng là vay tiền nhà nước mua chưa trả được. Chuyện trò xong, A Páo cũng nhanh chóng đi chăn bò còn chúng tôi vội vã quay trở lại trường để chuẩn bị xuất phát trở về nếu không thì sẽ muộn giờ xe chạy.
A Páo cùng cô con gái nhỏ không may bị mù do đau mắt đỏ

Còn một cụm bản nữa còn khó khăn hơn nhưng vì không kịp nên chúng tôi không thể tới thăm. Hẹn bà con, hẹn thày giáo, hẹn tụi nhỏ thứ 7 này chú sẽ quay lại. Chúng tôi vội vã lái xe về trung tâm xã, rồi từ Yên Cường về TP Hà Giang. Không nghỉ ngơi, chạy xe một mạch 4 tiếng đồng hồ. Mặc dù mùa hè trời tối muộn nhưng chúng tôi vẫn phải đi gần 60 phút trong màn đêm giữa núi rằng Hà Giang. Vì kiệt sức do lái xe cả lên và xuống bản nên tôi ngồi phía sau xe lúc đi từ xã Yên Cường về TP Hà Giang. Suốt chặng đường ấy, tôi trăn trở rồi suy nghĩ mông lung, nghĩ về mảnh đất tuyệt đẹp nhưng nghèo đói, nghĩ về những đứa trẻ thiệt thòi sống trong cảnh nghèo nàn đói rét, nghĩ về những bữa cơm nhão, nghĩ về A Páo với cô con gái đáng thương chỉ vì nghèo mà phải làm bạn suốt đời với bóng tối. Giá như, con đường 20km kia dễ đi một chút, giá như tụi nhỏ có ngôi trường khang trang hơn, giá như…

Giấc mơ mà tôi viết về không phải của bà con, không phải của các thày giáo hay tụi nhỏ mà là giấc mơ của chính mình. Tôi mơ về một tương lai đẹp hơn, một tương lai mà ai cũng được ăn cơm trắng, tụi nhỏ đi học có chút cá khô để ăn cho có vị, có một con đường để thuận tiện đi lại và có một mái trường để những người thày yên tâm giảng dạy công tác. Với tôi Hà Giang lúc nào cũng đẹp – nhưng cũng còn nhiều câu chuyện để phải nặng lòng !
Hà Nội, ngày 15 tháng 5 năm 2020.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết trước

Hướng dẫn sử dụng “nửa kia”: Yêu thương đúng cách

Bài viết tiếp theo

THE BIG BANG THEORY- Học thuyết tình bạn, tình yêu và vũ trụ

Latest from Bên ô cửa sổ

KHĂN QUÀNG ĐỎ

Cái ngày còn bé tí tẹo, mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Trên con