KHĂN QUÀNG ĐỎ

Cái ngày còn bé tí tẹo, mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Trên con đường trải đầy rơm ngập tràn ánh nắng mùa hạ, có một thằng bé vừa đi vừa líu lo hát thật yêu đời. Lớn dần lên cùng với biết bao mục tiêu để phấn đấu. Phấn đấu học giỏi, phấn đấu đỗ đại học, phấn đấu công việc,.. Rồi cứ mải miết phấn đấu để quên mất bản thân đã từng có một quãng thời gian trong sáng và yêu đời như vậy. Còn nhớ chuyến đi cách đây 4 tháng, chuyến đi lên với tụi nhỏ vùng núi Lai Châu, chuyến đi đánh thức những ký ức tuổi thơ ấy.

Nói thẳng thắn thì mình không thích trẻ con, nhất là tụi nhỏ dưới 3 tuổi vì tụi nhỏ hay khóc nhè. Cơ mà lại rất thích các bạn tiểu học vì có thể trò chuyện với chúng. Có nhiều kỷ niệm với tụi nhỏ trên Lai Châu lắm. Nào là câu chuyện chia kẹo ở trước cửa nhà tắm tập thể. Nào là những bữa ăn đạm bạc chan nước lã, nào là những ước muốn có sách vở, có bóng, có cầu thậm chí là có tiền để mua khăn quàng đỏ…

Lần đầu tiên lên trường, ấn tượng lắm khi chiều xuống, rất nhiều cô cậu học sinh ra vườn tưới rau. Có 1 bể nước nhỏ giữa vườn và tụi nhỏ hào hứng múc nước vào những chiếc bình còn to hơn cả chúng, vẹo cả lưng xách đi tưới cho từng hàng rau. Đứa nào cũng chân đất, bàn chân dính đầy bùn, mười ngón chân ghìm xuống để miết vào mặt đất kẻo ngã. Thương lắm, nhưng không biết làm gì để giúp. Các cô giáo khoe rằng, đây là rau cho các bữa cơm của tụi nhỏ hàng ngày. Các con tự trồng, tự đi kiếm phân trâu, phân bò về bón ruộng, tự thu hoạch. Nhà trường sẽ trả tiền mua rau, tiền đó sẽ đóng vào quỹ để dùng vào những hoạt động ngoại khóa cho tụi nhỏ.

Bữa cơm của tụi nhỏ diễn ra có rất nhiều điều thú vị. Đầu tiên là điểm danh để xem có đủ sĩ số hay không ? Từng bạn đứng lên đọc nối đuôi nhau rất quy củ như quân đội vậy. Sau đó là đồng thanh mời thày cô và các bạn ăn cơm. Ăn cũng nhanh lắm, vì thứ nhất là đói. Chủ yếu chỉ có cơm trắng với rau, thêm chút thức ăn mặn nhưng không đáng kể thì đói nhanh là điều dễ hiểu thôi. Có bạn vì hết thức ăn, chạy ra ngoài lấy nước lọc chan cơm. Mình chạy ra hỏi sao không chan nước rau, tụi nhỏ bảo ăn thế này quen rồi, nghe mà đau lòng lắm. Có lẽ ở nhà, bữa cơm chan nước lã đã quá quen thuộc với chúng rồi. Ăn cơm xong, tự giác xếp gon ghế, có một nhóm phân công quét phòng ăn. bát của bạn nào bạn ấy tự mang ra bể nước rửa. Rửa xong, có 2 bạn sao đỏ đứng cạnh chạn bát kiểm tra. Sao đỏ soi kỹ lắm, lấy tay quét một vòng xem còn chỗ nào dính dầu mỡ không ? Nếu chưa sạch trả lại bát yêu cầu rửa lại. Đứng xem tụi nhỏ rửa bát thôi mà cũng thấy hấp dẫn lắm luôn. Cũng ngưỡng mộ sự kỷ luật mà thày cô nơi đây rèn cho tụi nhỏ.

Trong ký ức của mình, trường học toàn là các cô giáo. Ấy thế mà tại nơi này có rất nhiều thày giáo. Có thày giáo rất trẻ và có cả những thày giáo tóc đã hoa râm. Trên đường lên thăm bản Pá Đởn, mình được một thày giáo trẻ dẫn đường. Gặp thày mà mình ngỡ như gặp một anh trai bản đúng nghĩa. Thày mặc chiếc quần cộc rất cũ, đi dép tổ ông cùng với chiếc xe khá cũ. Thày nói các anh thông cảm, em mặc như thế đi cho dễ vì đường đi rất khó khăn. Vào đến bản, thày thay đồ quần dài áo sơ mi đóng bộ tiếp tụi mình. Hỏi thì mới biết thày cũng là người Lai Châu, phụ trách bản này mới được một tháng. Cứ thứ 2 lên bản, thứ 6 về nhà. bầu bạn với thày là chiếc đài tối tối nghe cho đỡ buồn. Lớp học của thày chỉ có 12 học sinh, đứa nào cũng rụt rè vì có khi cả đời chưa gặp người lạ vào bản. nhìn lớp học đơn sơ, những cuốn sách rách tả tơi mà thấy thiệt thòi cho các con quá. Ấy vậy mà lúc một bé đứng lên đọc bài, tay ku cậu nang niu cuốn sách cũ ấy, đánh vần từng từ cho cô chú nghe mà thấy xúc động quá chừng. Thế đó, con đường đi học cái chữ chẳng hề dễ dàng gì.

Buổi tối, sau khi tụi nhỏ tắm rửa, mặc áo mới các cô chú tặng, sau bữa cơm đặc biệt với nem và giò các cô chú mang từ Hà Nội lên. Tất cả tập trung trên sân trường, hát tặng các cô chú phương xa những ca khúc thiếu nhi, cùng nhau chơi trò đố vui với những câu trả lời cười ra nước mắt. Và ấn tượng nhất là các cô chú được nắm tay các con reo hò quanh đống lửa. Tụi nhỏ thích lắm, có lẽ lâu lắm rồi chúng mới có một ngày vui như vậy, vui tới nỗi mà người lớn ai ai cũng mệt nhưng vẫn cố vì thấy có vẻ chưa bạn nhỏ nào muốn kết thúc chương trình cả. Mình chạy có vài vòng đã phải dừng thở hổn hển trong khi tụi nhỏ chạy nhanh đến nỗi có nhóc còn đứt cả quai dép luôn. tiếng lửa cháy tí tách, tiếng nhạc vang vọng hòa cùng với tiếng cười giòn tan của tất cả mọi người.

   Mình vẫn coi cuộc đời là một chuỗi những phản ứng hóa học, phản ứng này xảy ra sẽ kéo theo những phản ứng khác. Được gặp tụi nhỏ, được trò chuyện, được chơi đùa, được hát ca. Nhiêu đó như chất xúc tác mãnh liệt để cho phản ứng xảy ra tạo nên vô vàn “HẠNH PHÚC”. Mình thích việc ghi lại những cảm xúc đẹp, những câu chuyện tích cực bởi đơn giản mình coi đó là chất xúc tác quan trọng giúp bản thân cân bằng lại khi gặp khó khăn trong cuộc sống. Và mình tin với tụi nhỏ cũng vậy, dù chúng chẳng biết tên mình nhưng chắc chắn chúng sẽ nhớ, có một chú rất cao, rất trắng cầm trên tay cái máy ảnh rất ngầu đã từng ngồi bệt trên sân trường trò chuyện với chúng.

Nhớ Lai Châu, nhớ Nậm Pì !

Bài viết trước

The Shawshank Redemption 1994: Định nghĩa về Hạnh phúc

Bài viết tiếp theo

Hướng dẫn sử dụng “nửa kia”: Yêu thương đúng cách

Latest from Bên ô cửa sổ