The Shawshank Redemption 1994: Định nghĩa về Hạnh phúc

Phim Nhà từ Shawshank sản xuất năm 1994- được quay bằng máy phim (cậu bạn thân mình bảo thế). Phim này rất nổi tiếng, rất hay, nhưng tới giờ mình mới vừa được xem. Mình không muốn đánh giá về toàn cảnh bộ phim, bạn có thể lên mạng và tìm kiếm bất kì từ khoá nào để xem review.

Ngoài cảnh quay đẹp thực sự, chủ yếu quay trong nhà tù thôi mà không có góc nào thừa cả. Mình rất ấn tưởng với nhiều góc quay, đặc biệt ở phần thư viện. Một thư viện trong nhà tù, nơi có nhiều ánh sáng, nhiều màu sắc nhất trong toàn bộ phim.

Cả bộ phim có rất nhiều tình tiết, có lẽ không ngạc nhiên khi cậu bạn thân mình nói là xem lại vài lần mà vẫn thích. Bởi vì giờ ngẫm lại, có nhiều chi tiết bé xíu, mà đem lại đầy cảm xúc.

Nhưng trong bài này, mình chỉ muốn bàn một chút về Định nghĩa Hạnh phúc.

Tình cờ gần đây mình có đọc cuốn “Sự an ủi của Triết học”. Trong đó có nhắc đến định nghĩa Hạnh phúc của Triết gia Epicurus. Ông quan niệm rằng có 3 thứ tạo sẽ khiến con người hạnh phúc

Một là, tình bạn.

Vâng nó được đặt lên đầu tiên. Ông nói rằng một con người không thể có hạnh phúc nếu anh ta không có bạn. Ông không nhắc đến tình yêu đôi lứa, không nhắc tới gia đình, mà chỉ nói về Tình bạn. Có vẻ là sự cực đoan, mà kì thực không phải. Ông quan niệm rằng mọi loại tình cảm giữa người và người, đếu có chứa tình bạn ở trong đó. Tình yêu trai gái, vợ chồng sống với nhau, cha con, mẹ con… đều có sự đồng cảm, thấu hiểu, tôn trọng lẫn nhau, có cùng lý tưởng, sở thích…túm lại, đều có trong đó là tình bạn. Tình bạn quan trọng và cao đẹp hơn tất cả, nó giúp người ta không cô đơn. Nhưng lại không ràng buộc người ta, không phải có cam kết trách nhiệm, không yêu cầu sự hi sinh. Tình bạn không kiểm soát nhau như tình yêu đôi lứa, cũng không có hôn nhân để làm nấm mồ chôn tình yêu 😀 có lẽ vì thế mà nó cũng tồn tại bền bỉ.

Trong phim The Shawshank Redemption, vẻ đẹp của tình bạn giữa Andy và Red được thể hiện cực kì ấn tượng. Không phải sự hi sinh cho nhau. Trong tù mà, ai chẳng khổ đau, hơi đâu mà hi sinh cho đồng đội, quý nhau tới mấy thì thấy bạn bị ăn đòn cũng phải chịu thôi. Cũng không thể bảo vệ bạn mình được. Phim làm rất hợp lý ^^ Mình thấy cuộc sống cũng vậy đó, mình theo chủ nghĩa khắc kỷ, là thân mình, tâm hồn mình thì lo trước, làm cho mình tốt trước, sau đó mới phải để tâm bên ngoài. Bạn không thể giúp ai nếu bạn không bảo toàn cho chính bạn đầu tiên.

Tình bạn của 2 người còn được xây dựng trên sự sòng phẳng. Andy giúp Red, hoặc Red làm cho Andy việc nào đó, đều tính công rõ ràng. Cái gì là tặng thì sẽ nói rõ với nhau. Mình rất thích điểm này.

Thậm chí, tình bạn cũng không có nghĩa là phải chia sẻ hết mọi thứ cho nhau. Andy có câu chuyện riêng của mình, Red cũng thế, không ai hoàn toàn phải trải lòng hết cho ai. Nhưng họ tôn trọng nhau, dẫu tuổi tác cách biệt, họ cũng chẳng tâm sự nhiều nhưng dành cho nhau sự tôn trọng và tin tưởng.

Sự sòng phẳng, không ràng buộc, không quy trách nhiệm và thân ai nấy lo 😀 đôi khi lại là nền tảng vững chắc của tình bạn.

 

Hai là, sự tự do.

Về thể xác và cả tâm hồn.

Sự tự do trong câu chuyện của những tù nhân thì cũng không cần phải nói. Red thì khao khát rất nhiều lần để được giảm án, và ông cũng ngồi trong đó từ khi còn trẻ đến lúc đã già, quá nửa đời người.

Sự tự do trong phim mà mình ấn tượng nhất, khi một bản nhạc tiếng Ý được phát trên loa của nhà tù. Thứ mà trước khi chỉ có tiếng còi, tiếng quát tháo và những âm thanh cộc cằn khác.

Andy thì có vẻ lạ lùng hơn. Tuy bị bỏ tù đột ngột, từ giám đốc Ngân hàng thành một kẻ tù nhân với tội giết người, nhưng anh còn chẳng có vẻ gì là gào khóc, thèm tự do. Ngày ngày cứ lẳng lặng, im ắng. Thậm chí tận tuỵ với công việc và cũng chẳng hiểu vì cớ gì anh có thể kiên trì, cứng cỏi đến vậy. Ai cũng nghĩ một anh chàng bàn giấy công chức, sẽ không thể chịu đựng, đương đầu với nhà tù khắc nghiệt, vậy mà anh lại vô cùng cứng cỏi.

Cho tới khi, anh tìm thấy tia sáng của tự do, tự thấy mình xứng đáng có được tự do, thì người ta mới hiểu ra sự khao khát tự do của anh nhiều tới nhường nào.

 

Ba là, suy nghĩ.

Có thể hiểu ý của ông là những ý tưởng, những tri thức, kiến thức và hiểu biết đúng đắn của con người giúp họ có được hạnh phúc.

Trong phim The Shawshank Redemption, những tưởng người mỏng manh như Andy thì sẽ gục ngã đầu tiên. Vậy mà nhờ trí thông minh của mình, sự thông thái và kiên trì của mình, anh dần có thể sống yên ổn, thậm chí sống rất tốt so với những tù nhân khác. Cũng nhờ sự thông minh, tài trí và đặc biệt là ý chí sắt đá, anh mới tạo ra bược ngoặt đặc biệt trong bộ phim. Anh là người duy nhất có thể thực hiện được việc phi thường đó chứ không phải bất kì ai khác: Vượt ngục.

Mẫu đàn ông trong mơ: thông minh, có lòng trắc ẩn, có tâm hồn với sách và âm nhạc, lại còn kiên trì và cứng cỏi <3

Xem xong bộ phim, thì trời ơi cơ man là những suy nghĩ, cảm xúc và nhiều thứ để nói lắm. Điều kì diệu nhất là dường như tác giả bị ảnh hưởng bởi triết gia Hy Lạp cổ xưa thì phải. Toàn cảnh bộ phim  đã nói về hành trình có được hạnh phúc thực sự của một người đàn ông. Không phải thành đạt, giàu sang, không phải sự tôn trọng, ngưỡng mộ từ địa vị, mà để hạnh phúc và sống hạnh phúc anh ta chỉ cần có một Tình bạn đẹp, một sự Tự do và Trí tuệ của chính mình.

Bài viết trước

Cơm gà siêu ngon dành cho người lười mùa Covid

Bài viết tiếp theo

KHĂN QUÀNG ĐỎ

Latest from Phim