Đây là một cuốn sách nổi tiếng. Đúng rồi. Thế mà giờ mình mới đọc nó. Có lẽ vì trong đợt dịch Corona này, một cơn sốt cảm lạnh ban đêm bỗng đủ khiến mình dư thừa nhạy cảm mà chọn một cuốn sách vè sự sống- cái chết của một bác sĩ phẫu thuật thần kinh mắc ung thư Phổi
NGHỊCH LÝ HAY MỐI QUAN HỆ BÁC SĨ- BỆNH NHÂN
Những tưởng người làm bác sĩ đã quá thấu hiểu và dư thừa kiến thức về bệnh tật, thì lại là người cũng sợ hãi và né tránh như bao bệnh nhân khác. Dù các dấu hiệu rõ ràng ngay từ đầu thì Paul cũng lảng tránh và không dám đối diện sự thật.
Đọc về mức đồ học hành, tần suất làm việc của bác sĩ mà mình ngay lập tức nhớ tới cậu bạn đang học Bác sĩ nội trú liền nhắn tin hỏi thăm. Bạn ấy là người đã quan tâm, hỏi thăm và lý giải cho mình rất nhiều trong thời gian mình nằm viện chờ phẫu thuật. Vậy mà khi ra viện, cậu ấy còn thường nhắn tin hỏi thăm sức khoẻ mình và dặn dò. Mình vô tâm tới mức vào ngày Thầy thuốc Việt Nam mình chẳng nhắn tin một lời.
Với lịch trực Khoa cấp cứu liên miên, vẫn phải học trên trường và gần như không có thời gian để nghỉ, ai sẽ là người chăm sóc những bác sĩ khi họ bị ốm? Họ cũng là con người, họ cũng biết sợ hãi bệnh tật, biết đau đớn mà.
Mình nhận ra các bác sĩ đã, đang và sẽ đánh đổi rất nhiều thời gian, sức lực và tuổi trẻ của mình cho nghề Y. Ít nhất là 6 năm, rồi 2 năm BS nội trú, hoặc 2-3 năm chuyên ngành 1-2, ở nhiều nước khác còn lâu hơn, chật vật hơn. Để được đụng vào bệnh nhân, để chịu trách nhiệm cho mạng sống một người.
Dĩ nhiên, 10 năm cũng không đủ. Nhưng có bao nhiêu người, chấp nhận được nỗi đau khổ ám ảnh khi mình phải gánh trách nhiệm cho mạng sống ai đó? Ai dám đủ can đảm để hi sinh? Hay hầu hết chúng ta, những người trẻ tuổi: sống sợ hãi ràng buộc, ái ngại chuyện nặng gánh với gia đình, xã hội, không sẵn sàng chăm lo và đặt tâm vào một người khác?
NHỮNG NỖI ĐAU KHỔ THẦM LẶNG KHÔNG NÓI THÀNH LỜI
Trước đây, mình từng được xem bộ phim “Người thầy y đức”, nửa đoạn đầu cuốn sách cũng diễn tả cho mình những sự thật mà mình đã được biết khi xem phim kia. Tuy nhiên, nó vẫm ám ảnh. Vài điều mình nhận ra là:
– Là một bác sĩ phẫu thuật, không đơn giản là sống hay chết, khỏi bệnh hay không. Nó còn là những đau đớn khi phải tranh đấu giữa: chết thì tốt hơn hay để họ sống. Ca mổ nào thì quan trọng hơn cần được cứu trước. Sau cuộc phẫu thuật họ sống ra sao hay chết đi thì tốt hơn…
– Là một bác sĩ thì việc trao đổi, giao tiếp với bệnh nhân trước và sau khi điều trị, phẫu thuật đều có giá trị tương đương “dao mổ”, “thuốc điều trị” đối với bệnh tình của bệnh nhân vậy.
– Là những áp lực khi chịu trách nhiệm: sự oán trách của người nhà bệnh nhân, áp lực chuyên môn, và đau khổ hơn cả là có vượt qua được nỗi ám ảnh của riêng mình hay không.
Trước kia mình đã nghe nhiều về giả định này: người mắc bệnh phổi là người có nhiều nỗi buồn bị đè nén. Bởi vì hơi thở là năng lượng, việc hít thở trong thiền hay yoga đều là căn bản của sự kết nối vũ trụ. Khi bạn bắc bệnh liên quan tới phổi, là bạn đã mất dần kết nối, cũng thiếu thốn năng lượng lành mạnh được dung nạp vào. Với ý nghỉ nảy lên trong đầu:không phải ngẫu nhiên Paul bị ung thư phổi. Với một sự cống hiến, nỗ lực, với những ám ảnh về công việc, cả cái chết của đồng nghiệp, và cả nỗi buồn rất riêng của ông thời quá khứ…Tất cả được chia sẻ ở nửa đầu cuốn sách, và rồi ông mắc căn bệnh liên quan tới Phổi.
Ông dường như đã trả những cái giá quá lớn cho sự hi sinh để trở thành một bác sĩ phẫu thuật thần kinh- ngành học khó nhằn nhất thay vì có thể trở thành một nhà văn với tấm bằng đẹp trong tay?
(lại là ý nghĩa liên quan tớí) ĐỨC TIN VÀ KHOA HỌC (Y HỌC)
Là người hiểu biết với nhiều tri thức khoa học, Paul vẫn luôn tin vào Chúa.
Việc hành xử như thế nào với xác của người hiến tặng thể hiện rõ đức tin và lương tâm của sinh viên Y và sau này là bác sĩ.
Những lời văn miêu tả lạnh lùng việc cưa xương, khoan sọ, cắt từng bó gân cứ như đang xem bộ phim kinh dị vậy. Mình đã cố đọc từng chữ mà vẫn sợ. Nhưng lại lại loé lên trong mình một câu hỏi: Liệu trở thành một bác sĩ giỏi thì phải nhân từ với người bệnh hay vô cảm với nỗi đau của bệnh nhân thì mới hiệu quả đây?
Trước kia mình rất ghét bác sĩ. Mình thấy họ thật tàn nhẫn và vô cảm. Mình nhớ như in kí ức về cuộc nội soi đầy tàn nhẫn của đám bác sĩ, cho dù mình đã đóng thêm tiền để được gây tê/gây mê gì đó. Mình nhớ như in cảnh tượng đám thực tập sinh lạnh lùng bình luận khi mình đang ho ra từng ngụm máu tươi. Liệu mình trong mặt họ có phải vật được được thí nghiệm hay học liệu nghiên cứu cho việc “làm đồ án” của họ hay không?
Nhưng dĩ nhiên, đó là nỗi ám ảnh với vai trò là bệnh nhân của mình. Khi bạn đau đớn, thiếu hiểu biết và thiếu cả sự tích cực. Thì bạn coi con dao mổ cũng chỉ như con dao phay muốn giết bạn mà thôi.
Mình nhớ mãi ý nghĩ đó của Paul khi anh cần biết chính xác khoảng thời gian mình sống được là bao lâu. Nhưng rồi anh lại nhận ra: Tôi biết rằng ngày nào đó mình sẽ chết, nhưng không biết khi nào. Sau khi bị ung thư tôi cũng biết là mình sẽ chết, vẫn không biết khi nào, chỉ biết sớm thôi. Cuối cùng thì, bị bệnh hay không bị bệnh, chúng ta đều sẽ chết phải không? Và chẳng ai tiên đoán được việc mình chết lúc nào cả. Vậy chúng ta làm gì khi còn đang sống?
“Nếu còn 10 năm tôi sẽ chọn tiếp tục làm bác sĩ phẫu thuật, còn 2 năm tôi sẽ làm nhà văn, còn 3 tháng tôi chỉ dành cho gia đình”
Có thực sự là vậy hay không? Ngay cả khi Bác sĩ của anh dự đoán “anh còn năm năm” thì anh vẫn qua đời sau đó chỉ hơn 1 năm. Kì thực, anh dù có tin tưởng khoa học thế nào, hay mong cầu một thời lượng còn sống của mình thế nào, thì anh cũng không thể điều khiển được. Việc duy nhất anh có thể làm, chỉ là trân trọng từng giây phút khi nhìn vợ sinh đứa con gái đầu lòng, cố gắng từng hơi thở để viết xong cuốn tự truyện trước khi qua đời. Mà thực tế có vẻ nó vẫn còn dang dở – như chính cuộc đời anh.
Kì thực chúng ta không bao giờ kiểm soát được cuộc đời mình. Dù chúng ta tài giỏi, minh triết, lý trí đến đâu, chúng ta cũng không bao giờ có thể biết khi nào mình chết, cả kể việc ước chừng “khoảng bao lâu nữa”. Cái chết- hầu hết nghe thật đáng sợ. Nhưng kì thực nó có vẻ xinh đẹp. Nó giúp anh hàn gắn và có cuộc hôn nhân hạnh phúc với vợ những năm cuối đời, giúp Paul có một cuốn sách trước khi chết mà.
Paul cũng viết “Mỗi người sau cơn ốm nặng đều có sự thay đổi lớn trong cuộc đời họ”.
Có lẽ mình cũng may mắn trải qua điều này, may mắn vì từng cận kệ cái chết- theo đúng nghĩa đen; may mắn vì đã trải qua ít nhất 7 ngày chờ đợi xét nghiệm xem có phải ung thư phổi ở tuổi 25 hay không; may mắn vì mình vũ trụ đã khiến mình ho ra rất nhiều máu ở tuổi 25 để nhận ra rằng mình cần phải chữa lành thế nào sau này.
Cái chết có lẽ không phải là một món quà, nhưng việc trải qua giai đoạn sinh tử có lẽ là một đặc ân của vũ trụ. Chúng ta nhắc mãi về “Hãy trân trọng hiện tại” Nhưng để thực sự thấu hiểu điều này phải học rất lâu. Mình không còn ôm đồm quá khứ nữa, đó là một thành tựu lớn. Và mình sẽ tiếp tục trân trọng và nỗ lực cho từng giây phút của hiện tại. Trân trọng mọi điều đang có, mọi thứ vũ trụ đem lại và sẽ cố gắng thấy không bao giờ hối hận vì những điều không làm nữa.