Cuốn sách The Mastery of love (Bậc thầy tình yêu) không dạy bạn cách tán tỉnh một người, không dạy bạn cách hoà giải mâu thuẫn với người yêu/vợ/chồng, không dạy bạn cách đối xử hay kết nối giữ gìn mối quan hệ. Nếu bạn đọc tiêu đề mà khiến bạn hiểu nhầm (như mình đã từng), thì mình xin đính chính lại điều đó.
Sách dạy rằng: cách để trở thành “The Mastery of love” chính là yêu bản thân, đúng cách. Chỉ khi bạn có cách yêu thương chính mình đúng đắn, bạn sẽ yêu người khác, yêu vạn vật đúng cách.
ĐỂ CÓ ĐƯỢC TÌNH YÊU VÔ ĐIỀU KIỆN, THÌ BẠN HÃY YÊU CHÍNH MÌNH VÔ ĐIỀU KIỆN
Những ý niệm “đổi chác có điều kiện” đó bạn được tiêm vào đầu từ khi còn nhỏ: bố mẹ đầu tư cho con để con học giỏi, con phải đạt học sinh giỏi xuất sắc, thi đỗ kì thi này thì sẽ được thưởng một thứ con thích, con phải lau dọn nhà cửa, làm xong việc nhà, mới được đi chơi…Dường như rất nhiều điều kiện đưa ra để bạn có động lực để cố gắng hay thực hiện mong muốn gì đó. Lâu dần, điều đó diễn ra quá thường xuyên, khiến bạn trở thành phản xạ. Nếu muốn có abc, thì phải là xyz.
Khi lớn lên, khi gặp một chàng trai, anh ấy muốn bạn để tóc dài, muốn bạn mặc chiếc váy này thì sẽ đưa bạn tới dạ hội, muốn bạn giảm cân để cưới… Bạn sẽ coi đó là bình thường. Nếu khéo léo hơn, khi bạn chăm sóc nhan sắc một chút, bạn diện một chiếc váy điệu hơn chút, anh ấy bỗng đối xử nhẹ nhàng và ngọt ngào hơn hẳn. Đó toàn bộ là những điều kiện cả.
Sinh ra và lớn lên trong môi trường “ra điều kiện” sẽ khiến bạn vô hình trung hiểu rằng “cuộc sống vốn luôn có điều kiện, tình yêu cũng thế”.
Nhưng đó là người ngoài đối với bạn, bạn không thể tác động nên họ. Nhưng chính bạn, thì có thể. Tuy nhiên, bạn có bao giờ nhận ra mình chưa bao giờ thực sự bao dung và kiên nhẫn, yêu thương và yêu vô điều kiện với chính mình hay không?
Nếu bạn không xinh đẹp, bạn có lòng tự tôn hay không? Hay vì không được nổi bật lắm, bạn sẽ chấp nhận một người con trai tán tỉnh tầm xoàng rồi tặc lưỡi vậy là đủ.
Nếu bạn không giỏi giang, bạn có dám không phụ thuộc kinh tế bởi người khác hay không? Hay bạn sẵn sàng chịu miệt thị từ chồng, chịu sự kiểm soát từ người yêu, cấm đoán bạn đủ thứ, chỉ vì anh ta cho bạn tiền?
YÊU BẢN THÂN LÀ YÊU TÂM HỒN, CHỨ KHÔNG PHẢI THOẢ MÃN BẢN NGÃ
Việc ra điều kiện cho bản thân còn thế này: mình phải xong deadline, rồi mình xứng đáng được thưởng một bữa ăn sang chảnh, hay một món đồ hiệu nào đó. Bạn không nhận ra rằng, việc tiêu tốn tiền bạc để mua sắm, du lịch, ăn uống sang chảnh cho bằng bạn bằng bè, lại là vòng tròn luẩn quẩn cho việc bạn không thể thoát ra khỏi guồng làm việc điên rồ ảnh hưởng tới sức khoẻ và tâm trí.
Thực sự yêu bản thân là hãy trao cho tâm hồn mình khoảng lặng để nghỉ ngơi, chứ không phải bạn dùng hết tiền thưởng dự án vừa hoàn thành để tiêu tốn xa xỉ thoả mãn xong lại quay về với công việc đầy áp lực mệt mỏi.
Tâm hồn của bạn xứng đáng nhiều hơn thế, nó không cần một bữa ăn sang chảnh, nơi check in nổi tiếng lung linh, hàng hiệu high-end đầy tủ để bạn lại đăng lên instagram, facebook rồi viết caption kiểu: tự thưởng, mày xứng đáng mà, để rồi mong chờ sự ngưỡng mộ từ người khác. Để làm gì trong khi bạn đã ngốn hết tháng lương cho việc đó, rồi lại quay cuống áp lực và đè nén chịu đựng trong công việc ngay sau khi được thoả mãn bản ngã trong tích tắc.
CĂN BẾP DIỆU KÌ và CHIẾC BỤNG ĐÓI
Đây là ví dụ mình tâm đắc và nhớ nhất trong toàn bộ cuốn sách.
Trái tim của bạn như một căn bếp diệu kì. Trong căn bếp ấy có đầy đủ của ngon vật lạ, bạn tự sắm sửa cho nó mọi vật dụng cần thiết. Bạn đủ khả năng để nấu những món bạn thích vào bất kì khi nào. Nó luôn ngập tràn ánh sáng và ấm áp.
Đến một ngày có ai đó gõ cửa và mang cho bạn chiếc pizza. Chiếc pizza thì cũng chỉ 5-7$ thôi phải không? Nhưng người đó ra cho bạn điều kiện. Hãy ăn chiếc pizza này nếu…
Bạn có làm không? Khi bạn đã có căn bếp của riêng mình, luôn ấm áp và căng tràn sức sống. Bạn không thiếu thốn tình yêu, không thiếu thức ăn và thực phẩm, bạn có chấp nhận để người khác chi phối và điều khiển, ra điều kiện cho bạn hay không?
Nhưng nếu bạn đói, bạn không có căn bếp của riêng mình. Trái tim bạn thiếu thốn tình yêu, thèm khát sự ấm áp, nếu ai đó đến, một cách khôn khéo hơn việc đưa một chiếc pizza và ra điều kiện. Anh ta đưa đón bạn, hẹn hò những lộng lẫy, ôm ấp và có dành thời gian, ràng buộc và kết nối với bạn, tuy nhiên, anh ta vẫn có điều kiện và kiểm soát bạn. Thì bạn có chấp nhận không? Những điều kiện được cài cắm đầy khéo léo và nguỵ tạo bằng hành động yêu thương. Nó khiến bạn đánh mất mình, nương theo cảm xúc và ý muốn người người khiến bạn “no bụng”.
Người đó yêu bạn có điều kiện, và kì thực bạn cũng chẳng yêu người ta lắm đâu. Là bạn sợ cô đơn, sợ bỏ rơi. Bạn đánh đổi thứ mình có để “mua” tình yêu từ người kia. Vậy ai là người thực dụng trong tình yêu đây? Là người ra điều kiện, hay chính bạn?- người chấp nhận bản “ngã giá” đó?
Yêu thương bản thân không phải ích kỉ.
Bạn yêu bản thân đủ và đúng cách sẽ giống như bạn có một căn bếp tràn đầy món ngon. Bạn luôn mở cửa chào đón mọi người đến, cả kể thưởng thức nó rồi đi, cả kể không đem cho bạn điều gì cả, bạn vẫn chào đón. Chỉ cần họ lịch sự, biết tôn trọng.
Bạn yêu bản thân vô điều kiện, thì mới cho đi vô điều kiện, sau đó mới nhận được tình yêu vô điều kiện.
Mình biết, những điều này nghe thật không quá đúng. Bởi “Đàn ông thích phụ nữ trẻ, phụ nữ thích đàn ông giàu”, hay nhiều cuốn sách khác đều dạy bạn nguyên nhân-kết quả. Phải làm abc, mới có được xyz. Điều đó là không sai. Lý trí và cảm xúc đều là điều cần thiết trong cuộc sống.
VẬY NẾU TÔI ĐÃ YÊU BẢN THÂN VÔ ĐIỀU KIỆN RỒI, ĐÃ THỰC HIỆN MỌI CÁCH THỨC ĐỂ YÊU CHÍNH MÌNH RỒI MÀ TÔI VẪN CHƯA CÓ NGƯỜI YÊU, HAY KHÔNG AI YÊU TÔI NHƯNG MONG MUỐN THÌ SAO?
Thì chẳng sao. Bạn chính là người duy nhất không bao giờ rời bỏ bạn. Là người duy nhất yêu bạn vô điều kiện. Nếu ai đó đối xử không tốt với bạn thì bạn càng phải quyết tâm rời bỏ. Nếu ai đó ra điều kiện cho bạn để đổi lấy tình yêu, bạn càng quyết không đổi chác. Khi bạn đã yêu chính mình đủ và đúng thì hoặc là tình yêu sẽ tới, hoặc là bạn đã sống rong căn bếp diệu kì của chính mình rồi.
Self-help không ru ngủ bạn, không động viên rồi cho bạn một viên bluepill để xoa dịu. Nhưng cuộc sống vốn là tổng hoà của nhiều lý thuyết, và các quan điểm đối lập nhau đến nghịch lí.
Bạn tự muốn giảm đến bao nhiêu cân thì là đủ đẹp, hay bạn mặc kệ cho mình over-weight ăn uống thoả sức, đến sinh bệnh tật đau ốm, và nguỵ biện là yolo, đời có mấy tí ăn, chơi cho sướng mồm mới là yêu bản thân?
Bạn mua cho mình, chăm sóc cơ thể bao nhiêu thì đủ, hay bạn đốt tiền vào mỹ phẩm, spa, thẩm mỹ thì mới là yêu bản thân.
Bạn cho phép mình nghỉ ngơi, du lịch, bao nhiêu thì đủ, hay bạn cứ nợ nần triền miên, để đổi lấy du lịch đẳng cấp?
Bao nhiêu là đủ, không sách nào dạy. Nếu yêu SELF quá mức, thì thành SELFISH. Chỉ có thể là tự mình tìm ra một đáp án, một mức độ nhất định. Chỉ có bạn mới biết bạn làm việc hay cống hiến tới mức nào thì phù hợp với sự nỗ lực hoàn thiện mình trong cuộc sống, lại vừa không làm tổn hại sức khoẻ và tinh thần của mình.
Yêu bản thân bao nhiêu là đủ, học hỏi bao nhiêu thì đủ, dùng trái tim hay khối óc bao nhiêu là đủ? Vẫn là ở chính bạn, không có tỷ lệ hay đáp án nào tuyệt đối cho từng người cả.