Homo Sapiens: Góc nhìn trong Phật giáo

////

Mình ngấu nghiến Sapiens trong hơn 2 ngày, đọc cỡ vài tiếng phải nghỉ, vì lượng kiến thức trong này quá đồ sộ, mình bị choáng ngợp tới mức cảm nhận được cả sự nghẹt ở tim và nổ não. Lâu lắm rồi mới có cuốn sách làm mình dâng trào nhiều xúc cảm tới vậy. Hình như lần gần nhất là mình đọc Người đua diều và Giết con chim nhại. (Dù 2 cuốn này chẳng liên quan tới Sapiens)

Vừa đọc Sapiens mình phải vừa xuýt xoa với vốn kiến thức khổng lồ của tác giả. Nhiều kiến thức mà mình không biết tí nào cả, nhưng ít nhất có một đoạn về Đạo Phật, tác giả chỉ viết với 3 trang giấy nhưng đã tóm gọn lại toàn bộ chân lý của Đạo Phật mà mình mất 5 năm để trải nghiệm, hiểu và thấu cảm. Tác giả chỉ với 3 trang giấy mà đã tổng hợp không sai một chút nào về trải nghiệm của cá nhân mình trong suốt vài năm trời!

Với những kiến thức khác: Cách mạng nhận thức, Cách mạng nông nghiệp, hay Cách mạng khoa học, Tôn giáo (Ki-tô) … Mình chỉ biết rất ít, chút tí ti. Mình biết, bản năng của nhiều người có tư duy logic là : Biết hoài nghi. Mình tiếp nhận lượng kiến thức này với lòng tin 100%, bởi với những kiến thức mình chưa biết, mình sẽ tiếp cận và đón nhận trên góc nhìn của tác giả. Vì vậy, có lẽ, nếu bạn là một người đọc nhiều, biết nhiều, và có tiếp nhận các tư duy trái chiều, bạn sẽ có thể thấy bức xúc hay tạo tranh cãi khi đọc cuốn sách này.

Những ý kiến dưới đây, mình xin được bày tỏ quan điểm đồng điệu mà mình có cùng với tác giả, dưới góc nhìn của riêng mình.

  1. Cách mạng nhận thức- Hệ quả của sự di cư: Dưới góc nhìn về Nghiệp tiền kiếp.

Trong phần này, tác giả có nói một ý về sự di cư và xâm chiếm của loài Sapiens tới các vùng đất khác. Tuy không có minh chứng gì thực sự hoàn toàn thuyết phục về việc Sapiens đã diệt chủng rất nhiều loài nơi mà nó (xin phép được dùng nó để chỉ loài người thời ấy) đi đến, đi qua, cư trú.

Vừa đọc mình vừa xót xa vì sự diệt chủng mà Sapiens- tổ tiên của chúng ta đã gây ra.

Khi mình ở Thái Lan, mình đọc học Chân pháp và đạo lý về ý niệm: Sám hối.

Sám hối không chỉ cho lỗi lầm bạn vừa gây ra- những lỗi lầm bạn cố ý, vô ý, vô thức gây ra, còn sám hối cho cả người gây tội với bạn, và thậm chí là sám hối cho những lỗi lầm cho những hành vi của cha, mẹ, bạn bè, những người xung quanh ở hiện tại, trong quá khứ. Quá khứ không chỉ là vài kiếp, mà còn chính là tổ tiên của mình.

Trên quan điểm Tâm linh, những chuyện xảy ra đều do Nhân-Quả. Nhiều người thắc mắc vì sao, tôi không làm gì sai tại sao lại nhận Quả xấu. Giờ mình đã hiểu ra, tổ tiên chúng ta cũng từng làm rất nhiều điều sai trái, và chúng ta là con cháu cũng không phải gánh hậu quả. Người xưa cũng có câu “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”.

Trên góc nhìn khoa học, những hành vi xâm hại Môi trường, phá huỷ sinh thái, dĩ nhiên chúng ta cũng đã và đang và sẽ gánh những hậu quả nặng nề. Không chỉ là chúng ta đang gây ra, mà do nhiều nhiều đời trước đã gây ra nhiều tác động xấu tới môi trường. Nên hiệu ứng nhà kính, trái đất nóng lên, bão lũ, lụt, động đất, thiên tai… có thể hiểu là “Quả” mà ta phải gánh chịu do hành vi của chúng ta hiện tại, tổ tiên quá khứ tạo ra.

  1. Trật tự tưởng tượng- Góc nhìn vô thường, vô ngã trong Phật giáo.
Trong sách, tác giả đề cập với việc để quản lý, kết nối và xử lý được các nhiệm vụ trong cộng đồng, người ta bắt đầu nghĩ ra: phương tiện trao đổi hàng hoá- Tiền, luật pháp, quy định, các ban bệ, bộ phận, các thể chế chính trị, lý tưởng sống, nguyên tắc sống, nguyên tắc hành xử… Vì thế, bản chất những điều này, đều là sự tưởng tượng của con người mà nên.

Thật vậy, có nhiều điều ta coi là chân lý, ta coi nó là đúng đắn xét cho cùng cũng chỉ là một sự tưởng tượng, nó không tự nhiên có, tự nhiên tồn tại, mà đều có sự hình thành, tác động và nuôi dưỡng bởi loài Sapiens. Ngay cả lý tưởng khi chiến đấu, lý tưởng khi hi sinh, lý tưởng trong chiến tranh, ai đúng, ai sai… Tất cả đều chỉ là một quan điểm, do truyền thông tiêm dần vào đầu, vào ý niệm mà người ta muốn điều khiển và định hướng tập thể.

Trong đạo Phật, có Chân lý về sự vô thường. Nhưng phải tới khi mình sang Thái Lan, mình mới hiểu thêm một phần. Trong Pháp mình nghe mỗi ngày, trong cuốn Sám hối, trong lời dạy của từng nhà sư ở đây, ngày nào các thầy cũng chỉ nói “tất cả chỉ là tưởng tượng thôi con” “Sân, hận, danh vọng, vinh hoa, phú quý, quyền lực…tất cả đều là tưởng tượng, là ảo tưởng thiết lập lấy”. Ngày nào các thầy cũng nói với mình điều này, và dần dần cộng thêm với việc đọc Sapiens, mình mới thấm lời răn ấy.

Đây là lý do mình nói rằng: Tôn giáo và Khoa học, bản chất là một, chỉ là cách lý giải khác nhau. Nếu bạn tin vào Tôn giáo mà không có Khoa học thì sẽ trở nên mù quáng. Còn nếu tin vào Khoa học mà không có đức tin, thì sẽ trở thành cứng nhắc và dễ lạc lối trong cuộc sống.

Dù vậy, tác giả có vẻ là người vô thần, ông ấy cũng nói Tôn giáo cũng là sự tưởng tượng để giúp con người hành xử, cai trị, thâu tóm, định hướng nhau.

Mình chấp nhận sự thật này, không sao cả. Nhưng với mình, mình vẫn hài lòng với đức tin mình đang có, dù nó là ảo tưởng thiết lập lấy, thì nó vẫn đang giúp mình hạnh phúc hơn, sống tốt hơn, lành mạnh hơn.

(To be continued)

Nhưng đừng đợi tớ viết xong 3 phần thì hẵng đọc. Nếu bạn quan tâm tới lịch sử phát triển, chính trị, xã hội, tâm linh, sinh học, self-help thì đều nên đọc. Một cuốn sách mà bạn mình gọi là Mặc Khải- là được Chúa trao cho quyền năng để viết ra những thứ để đời. Mình cũng thấy nó thực sự xuất sắc.

Mình đang đọc 21 bài học thế kỉ 21 và sẽ mua thêm Homo Deus (Lược sử tương lai) để xem cuốn nào là Mặc khải hay cả 3 hay chỉ có Sapiens (trong lòng mình).

Bài viết tiếp theo

Làm mỳ Ý sốt kem nấm và tôm ăn kèm Salad sốt dầu dấm

Latest from Đức tin

Trong Kinh Bát Nhã có câu “Sắc bất dị không, không bất dị sắc. Sắc tức